Bên cạnh ánh sáng tự nhiên, ánh sáng nhân tạo cũng là một trong những vấn đề rất cần được lưu tâm. Ứng dụng tốt ánh sáng nhân tạo trong nhà ở có thể tiết kiệm tối đa các chi phí sử dụng điện năng, đem lại tính thẩm mỹ cao và giúp ích cho các thói quen sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Có bao nhiêu loại ánh sáng nhân tạo và sử dụng ánh sáng nhân tạo như thế nào? Hãy cùng Happynest tìm hiểu nhé!
Trong kiến trúc hiện nay, có 6 loại ánh sáng nhân tạo thường được sử dụng với các mục đích khác nhau.
6 kiểu chiếu sáng cơ bản hiện nay trong kiến trúc.
1. Ánh sáng trực tiếp
Ánh sáng trực tiếp là một trong các phương pháp chiếu sáng mà ánh sáng được chiếu trực tiếp vào một bề mặt. Điều này khiến cường độ sáng rất cao bởi ánh sáng không bị hao hụt.
Ánh sáng trực tiếp có cường độ sáng rất mạnh nên có thể gây mệt mỏi thị giác bằng việc tạo ra các bóng “cứng”
Khi sử dụng ánh sáng trực tiếp, cần hết sức thận trọng và không nên sử dụng nguồn sáng này với các bề mặt láng bóng hoặc có khả năng phản chiếu như gương hay kính.
Ánh sáng trực tiếp nên được sử dụng cho các khu vực như bàn bếp, phòng làm việc…
2. Ánh sáng gián tiếp
Đúng như tên gọi, ánh sáng gián tiếp là nguồn sáng được chiếu vào một bề mặt khác để phản xạ trở lại. Do ánh sáng đã bị hấp thụ một phần nên loại chiếu sáng này có cường độ sáng dịu, không quá chói.
Hình ảnh mô tả về ánh sáng gián tiếp
Với ưu điểm tạo ra cảm giác thoải mái cho thị giác, ánh sáng gián tiếp thường được áp dụng cho các không gian cần sự ấm cúng, thư giãn như: phòng khách, phòng ngủ… Bệnh viện hay các spa cũng rất hay dùng loại ánh sáng này.
Ánh sáng chiếu vào trần và bật lại, tạo nên không gian dễ chịu, thoải mái cho phòng ngủ.
3. Ánh sáng khuếch tán
Trong phương pháp chiếu sáng này, nguồn sáng đi qua một bộ phận khuếch tán và được tản theo mọi hướng mà không tạo ra các tia sáng. Bộ phận khuếch tán này có thể là một lớp thủy tinh trắng đục hoặc một tấm acrylic…
Nguồn sáng khuếch tán mang đến không gian ánh sáng đồng đều.
Phương pháp chiếu sáng này tạo ra vài sự biến đổi của ánh sáng. Đa phần, ánh sáng chiếu lên bề mặt là nhờ sự phản chiếu của trần và tường, do đó ánh sáng khá đồng đều ở mọi vị trí.
Ánh sáng khuếch tán mang đến cảm giác mềm mại hơn cho không gian.
4. Hiệu ứng ánh sáng
Hiệu ứng ánh sáng là dạng nguồn sáng được thiết kế trong trần hoặc tường nhà. Phương pháp chiếu sáng này không nhằm mục đích chính là chiếu sáng mà chủ yếu tạo điểm nhấn và trang trí phòng.
Hình ảnh mô tả về phương pháp hiệu ứng ánh sáng.
Hiệu ứng ánh sáng thường sử dụng trong nhà theo khuôn trần, tường và ngoài nhà ở các khu vực tiểu cảnh hoặc mặt tiền nhà.
5. Ánh sáng nhấn
Ánh sáng nhấn được coi là biến thể của ánh sáng trực tiếp. Phương pháp này sử dụng nguồn sáng nhỏ, chiếu thẳng và trực tiếp vào các khu vực trọng tâm nhằm mục đích nhấn mạnh đối tượng cần chiếu sáng.
Hình ảnh mô tả về ánh sáng nhấn
Ánh sáng nhấn đúng như tên gọi, giúp tạo điểm nhấn bắt mắt cho không gian
Ánh sáng nhấn thường ứng dụng trong phòng khách, bếp, trung tâm thương mại, cũng như trong các bảo tàng. Loại ánh sáng này thường đặt trực tiếp lên các bức tranh hoặc các bức tượng điêu khắc.
Khi sử dụng loại ánh sáng này bạn cần lưu ý, mỗi loại đèn cần được dùng trong từng tình huống cụ thể với từng vật thể. Một số đèn có xu hướng làm tăng nhiệt độ của vật được chiếu sáng, hạ thấp giá trị vật thể do đó bạn cần tìm hiểu thật kỹ trước khi lựa chọn đèn cho ánh sáng nhấn.
6. Đèn tường
Đèn tường là phương pháp nhằm tạo ra các hiệu ứng chiếu sáng cảnh quan. Đèn tường sử dụng một loạt các điểm sáng theo một chuỗi hoặc bằng một dải đèn LED ấn tượng.
Hình ảnh mô tả hệ thống chiếu sáng đèn tường.
Đèn tường là phương pháp chiếu sáng lý tưởng để nhấn phần mặt tiền ngôi nhà và nâng cao giá trị kiến trúc.
Trên đây là 6 phương pháp chiếu sáng nhân tạo cơ bản trong không gian nhà ở. Hy vọng bạn đã tìm được cách chiếu sáng nhân tạo phù hợp cho không gian ngôi nhà của mình!